Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

(Toquoc)- Kể từ ngày 1/4/2014, VAT của Nhật Bản tăng lên thành 8%, hạn chế tăng trưởng năm 2014.

Năm 2014, chính sách kinh tế Abenomics đứng trước nhiều thách thức. Sau một năm đạt được một số thành tựu kinh tế gây ấn tượng nhờ áp dụng các liệu pháp sốc, những biện pháp được đề ra liệu có đưa con tàu kinh tế Nhật Bản đi trúng đích? Trong năm 2013, huy động nhiều phương tiện, Chính phủ Nhật Bản thực hiện hai mũi tên đầu của Abenomics là sử dụng ngân sách nhà nước để bơm thêm tiền vào guồng máy kinh tế, huy động Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) mở van tín dụng nhằm phá giá đồng yen để kích thích xuất khẩu và cố tình đẩy vật giá leo thang hòng chặn đứng vòng luẩn quẩn của hiện tượng giảm phát.

Bắt đầu thoát khỏi hiện tượng giảm phát

Ở giai đoạn tiếp theo, hính phủ Nhật bắt đầu tiến hành hàng loạt biện pháp cải tổ cơ cấu, được gọi là mũi tên thứ ba. Kể từ ngày 1/4/2014, Chính phủ quyết định tăng thuế trị giá gia tăng (VAT) từ 5% những năm vừa qua lên thành 8% và 10% từ đầu năm 2015. Đổi lại, Tokyo thông báo bổ sung kế hoạch hỗ trợ kinh tế 50 tỷ euro cho tài khóa 2014-2015 và giảm thuế đánh vào các doanh nghiệp.

Theo đánh giá của các chuyên gia, Nhật Bản đang từng bước đạt được mục tiêu thứ hai. Chỉ số giá cả của Nhật sẽ tăng khoảng 2%. Tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế này trong tháng 1/2014 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm ngoái, đánh dấu tháng thứ 8 liên tiếp tỷ lệ này tăng. Về kích cầu bằng ngân sách nhà nước, chính quyền Nhật Bản khá thành công trong 6 tháng cuối năm 2013. Chi tiêu công cộng giúp kinh tế tăng trưởng trong quý II và quý III/2013. Nhật Bản bắt đầu thoát khỏi hiện tượng giảm phát.



Đầu tư lớn bằng ngân sách chính phủ vào các dự án công cộng là một trong ba mũi tên của Abenomics

Sản lượng công nghiệp trong tháng 1/2014 đã phục hồi so với thời điểm trước khi xảy ra thảm họa kép động đất, sóng thần hồi tháng 3/2011: tăng 4% so với tháng 12/2013 và đây cũng là mức cao nhất kể từ tháng 10/2008. Tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 1 là 3,7% , trong khi thị trường việc làm tiếp tục được cải thiện tháng thứ 14 liên tiếp. Tỷ lệ người thất nghiệp giảm 0,8% xuống còn 2,42 triệu người, trong khi số người có việc làm là 63,19 triệu người. Đây cũng là tháng có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất kể từ tháng 12/2007.

Tuy nhiên, thâm hụt tài khoản vãng lai của nước này trong tháng 1 vừa qua đã tăng kỷ lục với 1.589 tỷ yen (tương đương 15,38 tỷ USD). Đây cũng là tháng thứ tư liên tiếp tài khoản vãng lai của Nhật Bản tăng trưởng âm. Tình trạng này sẽ không sớm cải thiện khi nhu cầu năng lượng của nền kinh tế Nhật Bản tiếp tục phụ thuộc vào nhập khẩu.

Mũi tên thứ ba bắt đầu được thực hiện sau cuộc tuyển cử hồi tháng 7/2013, là kích thích khả năng cạnh tranh và khơi dậy tiềm năng phát triển của Nhật Bản; tăng gấp đôi tổng đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Nhật Bản, mở rộng sức cạnh tranh cho khu vực kinh tế tư nhân. Mũi tên thứ ba là một chương trình cải tổ dài hơi.

Năm 2014 tăng trưởng chưa thể cao vì tăng VAT

Về triển vọng kinh tế trong năm 2014, có ý kiến cho rằng trong một hoặc hai quý đầu năm 2014, tiêu thụ và đầu tư của Nhật sẽ bị chững lại dưới tác động của việc tăng VAT do người dân ít mua sắm hơn. Qua đó kinh tế sẽ bị chững lại ở giai đoạn đầu. Theo dự đoán của ngân hàng Thụy Sĩ Crédit Suisse, kinh tế Nhật Bản nhìn chung trong năm 2014 sẽ tăng hơn 2% so với năm 2013 (1,7 %). Theo dự đoán của BoJ, tỷ lệ tăng trưởng của nước này tài khóa 2013-2014 sẽ đạt mức cao hiếm có là 2,7%. Trong khi hầu hết các dự báo khác đều cho rằng GDP của Nhật trong năm 2014 sẽ ở mức thấp hơn năm 2013. Chỉ số tăng trưởng sẽ sụt xuống chỉ còn 1,3% trước khi tăng lên trở lại vào năm 2015 và 2016.

Sức mạnh của các nền kinh tế lớn trên thế giới, nhất là Mỹ, sẽ là nhân tố chủ chốt đối với tình hình kinh tế Nhật Bản trong năm 2014 này. Nền kinh tế Mỹ đang trên đà phục hồi. Kinh tế Trung Quốc đang trong quá trình cải cách cơ cấu vẫn triển vọng phát triển ổn định với mức trên dưới 7,5%.

Hai năm 2015 và 2016, tình hình sẽ sáng sủa hơn. Chính quyền và BoJ sẽ phải từng bước đóng bớt van tín dụng, giảm bội chi ngân sách.

Các thảm họa kép ngày 11/3/2011 sẽ có hậu quả lâu dài. Việc ngừng gần như toàn bộ hoạt động của các nhà máy điện hạt nhân cung cấp gần 30% sản lượng điện cho Nhật Bản đã buộc nước này phải nhập khẩu dầu lửa, đặt cán cân thương mại ở mức báo động và đẩy giá năng lượng lên cao.

5 thách thức, 4 lợi thế

Theo tạp chí Politique Internationale (Pháp), Nhật Bản phải vượt qua 5 thách thức: Kiểm soát nợ công; phục hồi tăng trưởng một cách bền vững; chặn đứng sự suy giảm dân số; đối phó với những tham vọng của Trung Quốc; sửa đổi Hiến pháp 1947.

Để khắc phục những thách thức lớn nói trên, Nhật Bản có 4 quân chủ bài:Một là, sức mạnh ghê gớm về kinh tế và tài chính. Với dân số ít hơn Trung Quốc 11 lần, Nhật Bản tạo ra của cải nhiều gần bằng Trung Quốc. Với sản lượng ngang bằng nhau, Nhật Bản tiêu thụ năng lượng ít hơn châu Âu và Mỹ hai lần và ít hơn Trung Quốc tám lần. Nhật Bản sở hữu 39% số robot công nghiệp của thế giới và chiếm 20% lượng đầu tư thế giới dành cho nghiên cứu và phát triển. Nhật Bản có dự trữ ngoại tệ lớn thứ hai thế giới, đứng sau Trung Quốc (với 1.240 tỷ USD vào tháng 7/2013), và có dự trữ trái phiếu kho bạc Mỹ lớn nhất thế giới (hơn 1.000 tỷ USD vào tháng 11/2012).

Hai là, một đời sống chính trị được đổi mới từ vài năm qua. Một cuộc cải cách triệt để về phương thức bầu cử và tài trợ cho các đảng (1993) đã cho phép những người đứng đầu các đảng này củng cố ảnh hưởng của họ đối với các nghị sỹ của họ.

Ba là, một hình mẫu các nhà lãnh đạo mới của Nhật Bản đã nổi lên, gần giống với hình mẫu ở châu Âu mà điển hình là Tony Blair và Nicolas Sarkozy.

Bốn là, Nhật Bản vẫn là một “sự gắn kết” xã hội tuyệt vời, bất chấp tác động rất nặng nề của khủng hoảng./.

Linh Hương (Theo các báo nước ngoài)


0 nhận xét:

Đăng nhận xét