Thứ Ba, 29 tháng 4, 2014

(GĐVN) Cúi gằm mặt vào tờ hướng dẫn phá thai bằng thuốc vừa nhận được từ bác sĩ, H.Trâm thi thoảng khều nhẹ tay bạn trai đi cùng, chỉ vào một trong những tác dụng phụ mà phá thai bằng thuốc có thể gây ra. Trong y bạ H. Trâm ghi rõ: em chỉ mới 18 tuổi, ở xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội.


Cha mẹ nên tiếp cận và trao đổi giới tính với con càng sớm càng tốt

Đắng lòng phá thai “tuổi teen”


Lấy cớ xem nhờ tờ hướng dẫn để tìm cách làm quen chuyện trò với H.Trâm. Trâm vẫn cúi mặt đưa cho tôi. Cậu thanh niên đi cùng hỏi: “Chị cũng vậy à?”. Khi gật đầu ra chiều cảm thông, tôi mới nghe chuyện cụ thể. Quen nhau chưa được bao lâu, tình yêu của em và bạn trai đến rất nhanh và rất mặn nồng. Không cần có thời gian kiểm chứng tình yêu H. Trâm đã “dâng hiến” hết cho bạn trai không một chút áy náy bởi niềm tin: Như thế mới ràng buộc trách nhiệm “đi lại” với người kia.

Dù hai người “gặp gỡ” nhau liên tục, nhưng chưa bao giờ H. Trâm thấy người yêu chủ động trong biện pháp tránh thai. Bản thân em cũng không muốn mua sẵn “dùng dần” vì sợ bạn trai đánh giá. Bữa đực bữa cái, lúc có lúc không dùng, rồi H. Trâm có thai. Cái thai lớn dần trong bụng cô nữ sinh “ăn chưa no, lo chưa tới” nhưng lại chưa đủ điều kiện làm mẹ. Vậy là không thể nào giữ lại được. Hai bạn quyết định đến Trung tâm Tư vấn sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình (KHHGĐ) - BV Phụ sản Trung ương.
Cậu thanh niên tiếp lời: “Nó” được 6 tuần rồi. Tuần trước nữa đi khám, bác sĩ bảo “nó” bé quá, chưa tim thai, chưa noãn hoàng gì đó nên chưa “giải quyết” được. Tuần này bạn em bảo còn nghe thấy tim thai đập bình bịch rồi, không biết lần này thì thế nào nữa. Chị ơi, thế thì bạn em sẽ ám ảnh lắm!”.

Ngồi cùng dãy ghế, lác đác vài gương mặt trẻ măng. Có em đi cùng mẹ hoặc được bạn trai đưa đi nhưng đa phần lủi thủi một mình ngồi chờ đến lượt, ai cũng cúi gằm mặt sợ có người quen nhìn thấy. Bước ra khỏi phòng tư vấn, nhiều gương mặt non nớt, mắt đỏ hoe, không giấu nổi sự lo sợ khi thông báo với bạn trai việc bác sĩ yêu cầu làm thủ tục để hút thai.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Minh - Giám đốc Trung tâm Tư vấn sức sức khỏe sinh sản và Kế hoạch hóa gia đình, BV Phụ sản Trung ương cho biết, ngày nào nơi đây cũng phải tiếp nhận vài trường hợp các em gái tuổi vị thành niên tới xin “giải quyết”. Đáng báo động, nhiều em ở độ tuổi 13 - 18 nhưng khi đến bác sĩ khám thì đã có thai lớn trên 12 tuần tuổi khiến việc xử lý gặp nhiều nguy hiểm cho tính mạng.

Tại Khoa kế hoạch hóa gia đình - BV Phụ sản Hà Nội, năm 2013 đã thực hiện nạo hút thai cho hơn 20.000 ca. Theo TS.BS Nguyễn Duy Ánh - Giám đốc Bệnh viện, 15% trong số này là vị thành niên, thanh niên.

Nguy hiểm hơn, có những trường hợp nữ sinh khi phát hiện mang thai, đã tự ý mua thuốc phá thai uống ở nhà, hoặc tới các phòng khám chui thực hiện mà không kiểm tra lại, đến khi máu chảy ồ ạt lại nghĩ là thai đang ra, nhưng thực tế lại bị băng huyết, mất máu nặng, phải cấp cứu hàng lít máu.

Trẻ hóa tuổi quan hệ tình dục lần đầu


Điều tra quốc gia về “Vị thành niên và thanh niên Việt Nam” (SAVY) lần thứ 2 cho thấy nhiều bạn trẻ có quan niệm cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân và độ tuổi bắt đầu quan hệ tình dục lần đầu cũng đang trẻ hóa. Có tới 36% thanh thiếu niên ở nhóm tuổi từ 14 - 17 đã “ăn cơm trước kẻng”. Cá biệt, có những em từ 10 - 12 tuổi đã có quan hệ tình dục và hoàn toàn tự nguyện. Cũng theo nghiên cứu này, có 8,4% (82 trong số 977) phụ nữ hoạt động tình dục ở độ tuổi từ 15 - 24 cho biết đã ít nhất một lần nạo phá thai.

Trong một hội thảo toàn quốc nghiên cứu tình dục và SKSS gần đây, BS Nguyễn Duy Tài - Trưởng bộ môn phụ sản (ĐH Y dược TP HCM) cho biết: Tỷ lệ vị thành niên có thai ngoài ý muốn có xu hướng gia tăng, năm 2008 là 2,15%, năm 2009 lên 2,45% (khảo sát được thực hiện tại 3 cơ sở y tế công ở TP HCM là Bệnh viện Hùng Vương, Bệnh viện Từ Dũ và Trung tâm Chăm sóc SKSS). Theo một số thống kê, tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 70.000 ca phá thai ở lứa tuổi vị thành niên chưa có gia đình. Chỉ riêng tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương, hàng năm có trên 5.000 ca phá thai, trong đó có 30% thai phụ dưới 24 tuổi.

Nhiều ý kiến cho rằng con số thống kê từ các bệnh viện công chỉ là phần nổi của “tảng băng chìm” vì không thể tính được số ca nạo phá thai ở những cơ sở y tế tư nhân.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Viết Tiến cảnh báo mang thai ở tuổi vị thành niên để lại những hậu quả rất lớn, không chỉ về thể chất mà còn tinh thần. Trong đó, đáng lưu ý là những tai biến có thể xảy đến trong quá trình thai nghén ở tuổi vị thành niên như sản giật, tiền sản giật, đe dọa tính mạng người mẹ, nếu không cũng ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe sinh sản sau này.

Nhiều em gái mang thai ngoài ý muốn do quan hệ tình dục (QHTD) sớm, tình dục không an toàn. Khi có thai, các em thường không có cách xử lý phù hợp, thường đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn… Thực tế trên đang đặt ra nhiều thách thức đối với công tác giáo dục sức khỏe sinh sản trong trường học, khi vị thành niên, thanh niên có quan niệm cởi mở hơn về quan hệ tình dục trước hôn nhân. Khi có thai, các em thường không biết cách xử lý phù hợp, thường đến bệnh viện khi tuổi thai đã quá lớn. Chính vì vậy, khi thai to tiến hành phá thai rất có thể gây biến chứng nguy hiểm.

Vạch đúng đường…

Theo BS Vũ Minh Phượng, chuyên gia tư vấn SKSS vị thành niên, thực tế cho thấy, tỷ lệ các em gái mang thai ngoài ý muốn từ quan hệ tình dục không an toàn ngày càng tăng cao. Dù bản thân không muốn nhưng các em vẫn có thai “ngoài ý muốn”. Điều đó cho thấy các em thiếu kiến thức về SKSS và kiến thức về tình dục an toàn.

Bà Nguyễn Thị Hiền, Vụ trưởng Vụ Truyền thông - Giáo dục (Tổng cục DS-KHHGĐ) cho biết: Mặc dù đã được quan tâm và đầu tư nhưng việc tuyên truyền, giáo dục về giới tính, tình dục và cung cấp kiến thức về chăm sóc SKSS cho vị thành niên, thanh niên còn nhiều hạn chế và thiếu đồng bộ giữa gia đình, nhà trường và xã hội. Nhiều cha, mẹ lúng túng chưa biết bắt đầu từ đâu khi tâm sự về giới tính, tình dục với các con và bản thân họ cũng còn thiếu kiến thức về lĩnh vực này. Việc giáo dục về dân số, SKSS/KHHGĐ đã được đưa vào chương trình giáo dục trong nhà trường qua các bài giảng riêng hoặc lồng ghép ở một số môn học. Tuy nhiên, thời lượng dành cho các bài học này còn rất khiêm tốn.

Theo ông Nguyễn Văn Tân - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - KHHGĐ, việc cung cấp kiến thức và kỹ năng phòng tránh thai cho vị thành niên, bao gồm cả việc cung cấp các biện pháp tránh thai thích hợp theo các kênh thích hợp... “Chúng tôi không cho rằng đây không phải là “vạch đường cho hươu chạy” bởi không “vạch đường” thì “hươu vẫn chạy”. Vấn đề là chúng ta phải vạch ra con đường đúng cho "hươu chạy" cho đúng, cụ thể đó là cần trang bị những kiến thức về sức khỏe sinh sản trong chương trình giáo dục cho học sinh, kỹ năng sống trong chương trình đào tạo sinh viên, cung cấp rộng rãi các thông tin và kiến thức về sức khỏe sinh sản cho các nhóm thanh niên, vị thành niên khác trên các kênh thích hợp (internet, trung tâm tư vấn, câu lạc bộ...) đồng thời tạo điều kiện để các bạn thanh niên dễ dàng tiếp cận được các phương tiện và biện pháp tránh thai thích hợp khi cần” – ông Tân nói.

Nguyễn Lệ - Bùi Chiến

0 nhận xét:

Đăng nhận xét