Thứ Ba, 22 tháng 4, 2014

Đầu tư vào nước sạch, những tưởng "một vốn bốn lời" bởi thị trường vô cùng tiềm năng. Vậy mà, nói không ngoa, doanh nghiệp muốn tham gia xã hội hóa dịch vụ này tại khu vực ngoại thành Hà Nội chẳng khác nào "va đầu vào đá". Vì sao?


Trạm bơm nước xã Trung Văn, huyện Từ Liêm được xây dựng từ năm 2000 đến nay vẫn chưa đưa vào sử dụng. Ảnh: LÊ HUY

Đầu tư vào nước sạch, những tưởng "một vốn bốn lời" bởi thị trường vô cùng tiềm năng. Vậy mà, nói không ngoa, doanh nghiệp muốn tham gia xã hội hóa dịch vụ này tại khu vực ngoại thành Hà Nội chẳng khác nào "va đầu vào đá". Vì sao?

Dân khát nước sạch

Hà Nội đặt mục tiêu đến cuối năm 2015, toàn bộ số dân nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh; trong đó khoảng 60% được sử dụng nước sạch theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế. Tuy nhiên, cho tới thời điểm hiện nay, số dân có nước sạch mới chỉ đạt một nửa chỉ tiêu trên. Đáng chú ý, có hơn 10% đang dùng nước sinh hoạt không bảo đảm vệ sinh. Do nguồn nước ngầm ngày càng cạn kiệt, ở nhiều khu vực, giếng đào sâu tới 60, 70 m vẫn không có nước. Người dân phải tự bơm nước ao, nước sông về dùng và trông chờ nguồn nước mưa. Còn nếu không, buộc phải bỏ ra từ 80 đến 100 nghìn đồng để mua mỗi m3 nước từ nơi khác vận chuyển đến. Phải tới các xã Ngọc Mỹ (huyện Quốc Oai), Chàng Sơn (huyện Thạch Thất), Trường Yên (huyện Chương Mỹ), Phú Sơn, Thái Hòa (huyện Ba Vì)... mới thấy được người dân ở đây khát khao nước sạch tới nhường nào. Phó Chủ tịch UBND xã Ngọc Mỹ Nguyễn Quý Thuận cho biết: Đường ống dẫn nước từ Nhà máy nước sông Đà về Hà Nội chỉ cách địa bàn xã khoảng 1km. Có những hộ dân chỉ cách đường ống này vài trăm mét. Thế nhưng, chẳng có dự án nào mang nước sạch tới cho chúng tôi. Đã có những doanh nghiệp về khảo sát để xây trạm cấp nước mà cũng không hiểu sao họ cứ lặng loe một đi không trở lại.

Câu hỏi ấy có lẽ khó hiểu đối với địa phương nhưng lại rất dễ hiểu đối với các doanh nghiệp có ý định đầu tư vào lĩnh vực cung cấp nước sạch ở nông thôn. Tổng Giám đốc Công ty Nước sạch Hà Nội Nguyễn Như Hải cho biết: Rất khó thu hút được các doanh nghiệp tham gia lĩnh vực cấp nước sạch ở nông thôn vì nguồn vốn đầu tư ban đầu lớn (gồm xây dựng nhà máy xử lý nước, trạm cấp nước, lắp đặt hệ thống đường ống, đồng hồ nước...). Trong khi đó, mật độ dân thưa và nhu cầu sử dụng nước không lớn bằng dân cư trong đô thị. Giá bán nước lại bị khống chế thấp hơn giá thành sản phẩm, không bảo đảm được tái đầu tư sản xuất cũng như phát triển mở rộng. Vì vậy, Nhà nước vẫn phải đầu tư vào lĩnh vực này, cụ thể là việc cấp ngân sách xây dựng các trạm cấp nước sạch ở nhiều khu vực nông thôn... Ấy thế nhưng, ngay cả khi Nhà nước đầu tư thì hiệu quả cũng rất thấp.

Lãng phí vốn đầu tư

Hình ảnh những đường ống dẫn nước ao ở các thôn Phú Mỹ, Ngọc Than, xã Ngọc Mỹ (Quốc Oai) được gắn cố định trên cao, chạy vòng vèo trong các ngõ, ngách để vào bể nước từng hộ dân cho thấy một thực tế, người dân sống trong cảnh khan hiếm nước nhiều năm, rút cục phải chọn cách "đầu tư" không giống ai đến vậy. Ấy thế mà, lại tồn tại một thực tế khác đầy nghịch cảnh. Hiện nay, trên địa bàn Hà Nội có tới 24 trạm cấp nước sạch không thể đi vào hoạt động.

Ông Đào Duy Tâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội lý giải: Trạm bỏ không là do việc đầu tư xây dựng thiếu đồng bộ, manh mún. Có công trình đầu tư trạm cấp nước nhưng lại không đầu tư đường ống dẫn hoặc có đường ống dẫn thì lại không đấu nối được. Có những nơi đấu nối xong hệ thống nhưng áp lực bơm không đủ dẫn nước tới các hộ dân nên công trình bị bỏ quên... Các trạm bơm xây dựng xong bàn giao cho chính quyền sở tại quản lý với lực lượng cán bộ, công nhân phụ trách thiếu chuyên môn, cho nên gặp khó khăn trong việc vận hành cấp nước. Giá nước tính chưa hợp lý, thu chưa đầy đủ dẫn đến thiếu kinh phí duy trì hoạt động và duy tu bảo dưỡng công trình. Nếu cứ làm phép tính số vốn đầu tư cho mỗi trạm cấp nước sạch này và nhân với khoảng thời gian nó đã bị để hoang hóa thì sẽ ra những con số đáng giật mình. Một sự lãng phí vô cùng lớn bắt đầu từ chính sự bất cập trong việc thực thi một chính sách thiết thực với người dân.

Rõ ràng, mô hình Nhà nước đầu tư rồi bàn giao công trình cho xã quản lý, vận hành là không khả thi. Muốn vận hành tốt những trạm này, cần doanh nghiệp có chuyên môn "xắn tay" vào. Cũng đã có một số doanh nghiệp "xung phong" tham gia như Công ty nước sạch THT nhận thực hiện Dự án nước sạch ở xã Phùng Xá (Thạch Thất); Công ty Ngọc Hải thực hiện một số dự án nước sạch tại các huyện Quốc Oai, Gia Lâm. Tuy nhiên, các dự án vẫn bị ách tắc bất chấp sự mong ngóng của người dân và doanh nghiệp.

Tháo gỡ cách nào?

Ông Nguyễn Phú Trung, Giám đốc Công ty cổ phần Đầu tư xây dựng nước sạch và môi trường THT cho biết, vướng mắc chính lúc này là việc định giá tài sản còn lại khi bàn giao công trình giữa chủ đầu tư cũ sang chủ đầu tư mới. Nào là đường ống nằm dưới lòng đất khó đo đạc, xem xét chất lượng. Công trình trạm bơm đã bị xuống cấp, doanh nghiệp tính khấu hao theo thời gian thì giá trị còn thấp nhưng chính quyền địa phương lại không chấp nhận mức ấy. Còn ông Ngô Xuân Hải, Giám đốc Công ty cổ phần sản xuất và thương mại Ngọc Hải, đơn vị xin tiếp nhận hai công trình trong số các trạm cấp nước đang "đắp chiếu", cũng chia sẻ, không thể triển khai dự án do lùng nhùng mãi chưa xong được các thủ tục chuyển đổi.

Từ thực tế nói trên, thiết nghĩ, không phải lĩnh vực kinh doanh nước sạch ở khu vực nông thôn thiếu hấp dẫn nhà đầu tư, mà cái chính là do cách thức triển khai các cơ chế, chính sách còn nhiều bất cập, chưa khuyến khích được doanh nghiệp mà thôi. Thành phố Hà Nội cũng như các địa phương cần phải đơn giản hóa thủ tục đầu tư, ban hành những hướng dẫn cụ thể cho doanh nghiệp. Có thể theo cách, Nhà nước đầu tư và quản lý hệ thống đường ống dẫn, doanh nghiệp đầu tư công trình cấp nước và quản lý khai thác vận hành. Được biết, mới đây, thành phố Hà Nội đã quyết định thành lập tổ công tác liên ngành hỗ trợ thủ tục đầu tư, quyết toán và tiếp nhận các công trình cấp nước sạch nông thôn trên địa bàn. Mong rằng những vướng mắc, bất cập nói trên sẽ nhanh chóng được tổ công tác tháo gỡ, góp phần khơi thông nguồn lực xã hội hóa, sớm đưa dòng nước trong lành tới những vùng ngoại thành đang khô khát.

Cho đến nay, vẫn chưa có hướng dẫn cụ thể nào về cơ chế chính sách ưu đãi đối với doanh nghiệp đầu tư vào các công trình cấp nước tập trung dở dang, không hoạt động được.

HẠNH NGUYÊN

0 nhận xét:

Đăng nhận xét