Thứ Sáu, 25 tháng 4, 2014

Nhiều công trình xây dựng, giao thông chậm tiến độ, bị đẩy giá gấp 2-3 lần so với lúc ban đầu. Ngay cả một chuyên gia trong lĩnh vực giao thông cũng phải thừa nhận việc đội giá công trình lên ngàn tỷ là do tiềm ẩn những “khoảng tối” không dễ dàng minh bạch.


Dự án đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình mới đây đã bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện bị đội giá gấp 2,5 lần, lên tới hơn 5.000 tỷ đồng so với mức phê duyệt ban đầu. Lãnh đạo Tổng Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam lý giải việc đội giá là do vay vốn lãi suất cao (16%/năm), trượt giá nguyên vật liệu… Tương tự, dự án mở rộng Đường 5 kéo dài (quận Long Biên và huyện Đông Anh, Hà Nội) được phê duyệt vào năm 2005 với mức đầu tư 3.131 tỷ đồng. Thế nhưng sau 7 năm triển khai, chủ đầu tư dự án lại xin UBND TP Hà Nội tăng mức đầu tư lên 6.663 tỷ đồng với nhiều nguyên do như chậm giải phóng mặt bằng, nguyên vật liệu chính đều tăng gấp đôi so với lúc ban đầu, lãi suất ngân hàng cao… Hai công trình trên không phải là trường hợp cá biệt trong ngành xây dựng bị đội giá lên ngàn tỷ mà còn rất nhiều những công trình khác cũng đồng cảnh khi chậm tiến độ, phải xin cấp thêm vốn trên cả nước. Tuy nhiên với những lý do biện giải na ná giống nhau của chủ đầu tư khiến dư luận không khỏi hoài nghi có những “khoảng tối” trong vấn đề này. PGS-TS Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng Việt Nam thừa nhận trước đây, có tình trạng chủ đầu tư luôn đưa ra mức giá thấp, thậm chí phi lý để được thông qua. Sau đó, trong quá trình thương thảo hợp đồng mới ngã giá cụ thể và dẫn đến tình trạng thẳng tay nâng giá, đội giá so với mức được duyệt. Bên cạnh đó, ông Liêm cho rằng do quản lý dự án thiếu tính chuyến nghiệp, không am hiểu sâu về lĩnh vực đã khiến các công trình chậm tiến độ, kéo dài từ vài năm đến cả chục năm dẫn đến các chi phí như xăng dầu, điện, nguyên vật liệu… đều tăng so với ban đầu. Mới đây, trả lời phóng vấn trên Báo Lao động, Bộ trưởng GTVT Đinh La Thăng đã thẳng thắn thừa nhận có sự “bắt tay” nhau nâng đơn giá lên gấp 2-3 lần giữa chủ đầu tư và công ty tư vấn. Bộ trưởng khẳng định “chuyện trúng thầu bằng mọi giá, trúng bằng giá thấp, sau đó cố tình kéo dài thời gian để dẫn tới trượt giá để xin điều chỉnh là có thật, thậm chí người ta không muốn làm đúng tiến độ để vin vào đó xin điều chỉnh cái này, xin điều chỉnh cái kia”. Tuy nhiên, ông chưa chỉ ra rõ những thủ thuật được sử dụng cũng như biện pháp để ngăn ngừa. Hồi tháng 9/2013, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng đã ban hành Chỉ thị 17 tăng cường quản lý chất lượng, công tác chuẩn bị đầu tư các dự án xây dựng công trình giao thông do bộ quản lý, đầu tư. Trong đó, yêu cầu chủ đầu tư các dự án phải kiểm soát chặt chẽ phạm vi, quy mô, tổng mức đầu tư dự án. Thế nhưng, cũng giống như nhiều văn bản khác, công tác chỉ đạo khá chung chung rằng cần tương cường kiểm soát mà không nêu rõ trách nhiệm của từng đơn vị, cá nhân cũng như quy trình định giá dự án thì nó cũng chỉ có tác dụng trên giấy. Chẳng ai có thể bắt bẻ được khi doanh nghiệp vẫn viện dẫn những lý do cũ để dây dưa kéo dài tiến độ, biện hộ cho việc điều chỉnh giá.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét