Thứ Hai, 11 tháng 8, 2014

KTĐT - Trước những diễn biến nghiêm trọng của dịch sốt xuất huyết (SXH) do virus Ebola, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có cuộc họp khẩn cấp với Bộ Y tế và các bộ, ngành để tập trung công tác phòng chống dịch.

Chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam
Theo nhận định của Bộ Y tế, mặc dù đến nay chưa phát hiện trường hợp nào nhiễm virus Ebola tại Việt Nam, nhưng nguy cơ dịch bệnh lây lan vào Việt Nam là hoàn toàn có thể. Hiện, việc kiểm soát y tế đã được triển khai ở tất cả 5 cửa khẩu hàng không quốc tế và sẽ tiếp tục triển khai tại các cửa khẩu đường bộ và đường biển.

Tại Sân bay quốc tế Nội Bài, trước khi nhập cảnh vào Việt Nam, mọi hành khách đều phải qua phòng y tế kiểm tra thân nhiệt. Ảnh: Hải Lý
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng yêu cầu Bộ Y tế tập trung thiết bị, máy móc, nhân lực để giám sát, sàng lọc nhằm phát hiện sớm bệnh Ebola tại cửa khẩu, trường hợp phát hiện người nghi mắc bệnh cần cách ly để khoanh vùng dập dịch sớm. Bên cạnh đó, Bộ Y tế cần phối hợp chặt chẽ với Tổ chức Y tế thế giới (WHO) để nắm chắc diễn biến dịch bệnh; phối hợp với các bộ, ngành, địa phương triển khai các kế hoạch, biện pháp để ngăn chặn dịch bệnh lây lan vào Việt Nam. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Ngoại giao, Bộ VHTT&DL có khuyến cáo để công dân hạn chế đi du lịch, làm việc tại khu vực có dịch. Trong công tác tuyên truyền, Thủ tướng cũng lưu ý cập nhật sớm tình hình dịch nhưng tránh gây hoang mang, xáo trộn cho người dân.
Chiều 9/8, Thủ tướng đã ban hành Công điện 1392/CĐ-TTg yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tập trung chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh SXH do virus Ebola.Về phía Bộ Y tế, ngay trong sáng qua (10/8), Bộ đã ban hành Hướng dẫn chẩn đoán và điều trị bệnh do virus Ebola. Theo hướng dẫn này, thời gian ủ bệnh Ebola trung bình là 2 - 21 ngày. Các triệu chứng thường gặp gồm sốt, đau đầu, đau mỏi cơ, nôn/buồn nôn, tiêu chảy, đau bụng, viêm kết mạc, phát ban. Ngoài ra, bệnh kèm theo các biểu hiện xuất huyết như đi ngoài phân đen, chảy máu nơi tiêm truyền, ho ra máu, chảy máu chân răng, chảy máu âm đạo... Bệnh hiện không có thuốc điều trị đặc hiệu mà chủ yếu điều trị hỗ trợ, điều trị triệu chứng. Các ca bệnh nghi ngờ đều phải được khám tại bệnh viện, cách ly và lấy mẫu bệnh phẩm gửi làm xét nghiệm PCR. Đặc biệt lưu ý đối tượng là phụ nữ mang thai, phụ nữ cho con bú, bởi thai phụ nhiễm virus Ebola có nguy cơ sảy thai, đẻ non, chảy máu sau sinh rất cao. Virus này cũng truyền qua sữa mẹ. Vì thế, khi nghi ngờ bị nhiễm bệnh, người mẹ nên ngừng cho con bú; cả mẹ và trẻ cần được nhập viện và cách ly cho đến khi loại trừ bệnh.
Tiếp chuyện với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị tại Sân bay quốc tế Nội Bài chiều 10/8, anh Nguyễn Văn Lệnh vừa từ Ai Cập về Việt Nam cho biết đã nghe nhiều về dịch bệnh Ebola, nhưng không quá lo lắng. "Tôi cũng ý thức việc bảo vệ sức khỏe cho bản thân khi ở bên Ai Cập bằng cách tránh tụ tập tại những nơi đông người hoặc những khu thiếu vệ sinh. Luôn đeo khẩu trang y tế khi đi đến những nơi công cộng, bệnh viện. Đặc biệt khi về Việt Nam, tôi cũng như mọi người luôn ý thức việc phòng tránh lây nhiễm, hay mang mầm bệnh "về nước". Việc các nhân viên y tế tại Sân bay quốc tế Nội Bài thực hiện đo thân nhiệt, nhằm phòng tránh lây lan vi rút vào Việt Nam là rất cần thiết" - anh Lệnh nói.Ông Muhammad Zaghlul (người Ai Cập) đến Việt Nam lần đầu cũng cho biết, ông cảm thấy những biện pháp phòng chống vi rus lây lan của Việt Nam là cần thiết và hữu hiệu. Bản thân ông không thấy phiền toái gì khi phải qua phòng y tế kiểm tra tại Sân bay quốc tế Nội Bài, ngược lại còn làm ông cảm thấy an tâm hơn.
Thực hiện nhiều biện pháp phòng, chống
Ngày hôm nay (11/8), Bộ Y tế chính thức đưa vào vận hành Văn phòng Đáp ứng khẩn cấp làm đầu mối phối hợp quốc tế, kết nối, hỗ trợ các địa phương trong trường hợp khẩn cấp. Đồng thời, chủ động lên kế hoạch giám sát, phát hiện bệnh, xét nghiệm, điều trị bệnh nhân, kể cả phương án thành lập các bệnh viện dã chiến nếu bệnh dịch lây lan vào Việt Nam.
Sở Y tế Hà Nội cũng đã đưa ra các biện pháp đối phó với Ebola ứng với 3 tình huống: Chưa có ca mắc; Xuất hiện ca mắc đầu tiên; Dịch lây lan trong cộng đồng. Mỗi tình huống có biện pháp đáp ứng phòng chống dịch phù hợp và phân công trách nhiệm cụ thể cho từng đơn vị trong công tác phòng, chống dịch. Đồng thời, phối hợp, trao đổi thông tin với ngành y tế các tỉnh, TP khác về hành khách đến từ vùng có dịch nhập cảnh vào Việt Nam và di chuyển đến tạm trú ở các địa phương để chủ động giám sát dịch.
Ông Hoàng Đức Hạnh - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho biết, hiện, Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế đã chủ động kiểm dịch chặt chẽ khách nhập cảnh từ các vùng đang có dịch, đảm bảo 100% hành khách khu vực Tây Phi được giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ. Cơ sở vật chất, trang thiết bị cũng đã sẵn sàng, đảm bảo các kíp trực thường xuyên, phân luồng hành khách, theo dõi hành khách không để bệnh dịch xâm nhập.
Trước đó, WHO đã công bố tình trạng khẩn cấp y tế toàn cầu với dịch Ebola. Các chuyên gia WHO nhận định, nguy cơ dịch lây lan quốc tế là đặc biệt nghiêm trọng do độc lực cao của virus; sự biến đổi liên tục các mô hình lây truyền dịch bệnh trong cộng đồng và các cơ sở y tế; hệ thống y tế yếu của một số quốc gia bị ảnh hưởng bởi virus này. Dịch hiện lưu hành tại 4 quốc gia Tây Phi, gồm: Guinea, Nigeria, Sierra Leone và Liberia với con số tử vong gần 1.000 người. Guinea đã quyết định đóng cửa biên giới với 2 nước Sierra Leone và Liberia. Nigeria - quốc gia đông dân nhất châu Phi cũng đã thông báo tình trạng khẩn cấp sau khi có 7 ca mắc, 2 người tử vong.
Bệnh do virus Ebola là một bệnh nhiễm trùng nặng, tỷ lệ tử vong có thể lên đến 90%. Bệnh lây truyền do tiếp xúc trực tiếp với mô, máu và dịch cơ thể của động vật hoặc người nhiễm bệnh, có thể bùng phát thành dịch.
Theo kế hoạch, sáng nay (11/8), Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thị Bích Ngọc sẽ kiểm tra công tác phòng chống dịch tại Sân bay quốc tế Nội Bài. Chiều 12/8, Sở Y tế Hà Nội sẽ tổ chức tập huấn về giám sát, xử lý dịch và chẩn đoán, điều trị bệnh SXH do virus Ebola cho mạng lưới giám sát, điều trị toàn TP.

0 nhận xét:

Đăng nhận xét