Thứ Tư, 10 tháng 9, 2014

Những ngày đầu năm học mới cũng là lúc mùa nước lũ ở khu vực biên giới Tây Nam Tổ quốc bước vào giai đoạn cao điểm. Khắp một vùng rộng lớn hàng trăm cây số đường biên được bao trùm bởi nước và đó cũng là lúc hàng trăm em nhỏ người Cam-pu-chia gốc Việt lại hối hả rủ nhau vượt lũ, tìm về đất mẹ để học chữ.


Từ sáng sớm, học sinh đã đi phà qua biên giới để tới trường.

Hướng về đất mẹ

Theo tìm hiểu của chúng tôi, tại khu vực hai tỉnh biên giới An Giang và Đồng Tháp, nơi giáp ranh với tỉnh Prây Veng và Can Đan của Cam-pu-chia có hàng ngàn hộ dân gốc Việt sinh sống, chủ yếu bằng những nghề buôn bán nhỏ hoặc làm nông nghiệp thuần túy. Họ là người Việt Nam, có gốc gác ở vùng biên giới An Giang, Đồng Tháp… nhưng vì cuộc sống khó khăn, di cư sang bên kia khoảng vài chục năm nay.

Nhìn chung, cuộc sống của đồng bào đều khá khó khăn; cộng thêm khoảng cách về địa lý, khiến chuyện học hành và đến trường của những em nhỏ nơi đây là rất cực nhọc. Và tâm lý chung là, mặc dù đang sinh sống ở bên kia đường biên, nhưng hầu hết mọi người đều muốn con em mình được học chữ Việt với mong muốn sau này trở về định cư trên đất mẹ quê hương.

Mùa lũ, sông Bình Di tại vùng biên giới An Phú (An Giang) luôn đục ngầu một màu phù sa. Với nhiều người dân, đây là mùa của tôm cá sinh sôi với một nguồn lợi thiên nhiên khổng lồ, đem đến lợi ích cuộc sống cho nhiều gia đình, song với các em học sinh, việc đến trường càng thêm vất vả.

Theo em Nguyễn Thị Nữ, học sinh lớp 7, trường THCS Khánh An (huyện An Phú) thì mặc dù gia đình em đang ở Pẹc Chạy (quận Cọ Thum, tỉnh Can Đan) nhưng từ bé, em đã học ở bên Việt Nam. Kể về chuyện học của mình, Nữ cười bảo, mỗi ngày, em đạp xe nửa giờ từ nhà đến bến phà Long Bình, đi qua sông này rồi lại tiếp tục đạp xe đến trường. Mặc dù quãng đường chỉ gần 10 cây số, nhưng mùa mưa lũ như hiện nay rất cực, nhiều khi phải lội nước vì đường sá bị ngập.

Mặt khác, chuyến phà vượt sông Bình Di, đi từ địa phận Cam-pu-chia về Việt Nam, các em có cảm giác xa xôi, nhọc nhằn, nhất là khi đi qua ranh giới đường biên của hai quốc gia. Nữ không phải là trường hợp duy nhất, theo thầy giáo La Văn Bé, Hiệu trưởng trường THCS Khánh An thì năm học nào ở trường cũng có khoảng từ 200 đến 250 em học sinh là Việt kiều ở bên Cam-pu-chia theo học. Nhà trường đã áp dụng nhiều biện pháp giúp đỡ, động viên như hỗ trợ sách vở, tài liệu, dụng cụ học tập... Ngoài ra, những em học sinh khá, giỏi còn được hỗ trợ tiền hằng tháng. Đây là yếu tố tinh thần khích lệ các em cố gắng về nước theo học cùng các bạn, dù phải vượt qua nhiều vất vả, khó khăn.

Tuy nhiên, khó khăn mà những học sinh Việt kiều phải đối mặt không đơn thuần chỉ là quãng đường, mà còn là gánh nặng về cơm áo đời thường. Khác với những trẻ em các địa phương khác, ở cái tuổi 11, 12, các em nhỏ nơi đây đã bắt đầu đối diện với những khó khăn của vật chất. Thường là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, cha mẹ mới chọn sinh kế là dời quê hương Việt Nam để sang phía bên kia đường biên lập nghiệp.

Bởi vậy, ngay từ tuổi thơ, các em đã chịu cảnh nghèo khó và đó cũng là một trong số nhiều nguyên nhân khiến con đường đến trường ngày một xa vời. Thầy Bé cho biết, mùa mưa lũ là mùa đánh bắt tôm cá chính, cha mẹ đi làm nên các em thường phải ở nhà trông em hoặc chính các em cũng phải lênh đênh trên ghe thuyền cùng cha mẹ để kiếm sống. Đó là lý do mà những em nào cố gắng lắm cũng chỉ học hết lớp 9 mà thôi.


Học chữ Việt là ước mơ của nhiều em nhỏ Việt kiều.

Gian nan con chữ vùng biên

Tại trường Tiểu học Thường Thới Hậu A (xã Thường Thới Hậu A, huyện Hồng Ngự, Đồng Tháp) cũng có rất nhiều em nhỏ người Việt sinh sống ở Cam-pu-chia ngày ngày vượt qua đường biên giới giữa hai nước để về Việt Nam học chữ. Tại đây, các em phải đi đò vượt sông Sở Thượng, con sông ngăn cách giữa hai nước để đến trường. Em Trần Văn Bằng, học sinh lớp 7, trường THCS Thường Thới Hậu A chia sẻ cùng chúng tôi về chuyện học của mình.

Bằng kể, nhà em ở bên tỉnh Prây Veng, nhưng ngày nào em cũng đi qua bến đò Cách Cô vượt sông Sở Thượng để đến lớp. Tuy nhiên, để đến được bến đò, từ nhà em phải đạp xe thêm hơn 3 cây số nữa. Trường hợp của em Bằng vẫn còn khá may mắn, bởi nhiều học sinh bên Cam-pu-chia về Việt Nam học ở khu vực này thường phải di chuyển rất vất vả bằng ghe, thuyền, vì mùa lũ, nước dâng khá cao kéo dài. Vì thế, đây cũng là thời gian cao điểm của tình trạng… nghỉ học.

Theo thầy Lê Văn Thiện, giáo viên nhiều năm giảng dạy tại điểm trường Giồng Duối (thuộc trường Tiểu học Thường Thới Hậu A), một điểm trường sát biên giới, có nhiều học sinh Việt kiều, cho biết, năm nay mặc dù đã là mùa nước về, nhưng thực tế, mực nước chưa lên cao, vì vậy chưa có hiện tượng các em bỏ học. Trong trường có hơn 30 em học sinh, từ lớp 1 đến lớp 5 đến từ phía bên kia đường biên. Cuộc sống của các em đều hết sức khó khăn. Cha mẹ các em, ngoài ước muốn cho các em được quay trở về Việt Nam học chữ thì còn phải quay quắt với cuộc mưu sinh gian khó nơi đất khách quê người, nên nhiều em phải tự bươn chải đến trường.

Cũng theo thầy Thiện, những năm gần đây, số lượng các em ở bên Cam-pu-chia quay về Việt Nam học chữ ngày một đông. Ở vùng biên giới này, trước đây rất nhiều người Việt qua bên kia sống bởi nguồn lợi thủy sản bên đó dồi dào, dân cư thưa thớt. Tuy nhiên, cuộc sống nơi đất khách quê người ngày một khó khăn, nhiều gia đình đang có ý định quay về quê hương và đều bắt đầu bằng suy nghĩ, phải cho con em mình đi học tiếng Việt, chữ Việt để sau này có một tương lai tốt đẹp hơn.

Hi vọng, sau những gian nan, vất vả hằng ngày, với những buổi học nhọc nhằn, các em sẽ trưởng thành và có tương lai tươi sáng trên chính mảnh đất mẹ Việt Nam của mình.

Đoàn Đại Trí


0 nhận xét:

Đăng nhận xét